Thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, lao động nữ được nghỉ sinh 6 tháng

Chiều 18/6, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ 1/5/2013. Lao động nữ sẽ được nghỉ sinh 6 tháng thay vì 4 tháng như hiện nay, thời gian nghỉ Tết của công chức là 5 ngày.

 

 

Theo đó, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên, cứ thêm một trẻ người mẹ lại được nghỉ thêm một tháng. Trong thời gian nghỉ sinh, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Dù được nhiều đại biểu đề cập, song đề xuất cho chồng nghỉ chăm sóc vợ sinh conkhông được đưa vào bộ luật sửa đổi lần này.

Ảnh: Thiên Chương.
Năm tới, phụ nữ sẽ được nghỉ sinh 6 tháng. Ảnh: Thiên Chương.

Bên cạnh quy định thời gian làm việc không quá 8 giờ một ngày và 48 tiếng một tuần, người lao động cũng không được làm thêm quá 30 giờ một tháng và 200 giờ một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ một năm.

Hàng năm, người lao động được nghỉ 10 ngày lễ, tết: Tết Nguyên đán (5 ngày), Tết Dương lịch, Giải phóng miền Nam, Quốc tế lao động, Quốc khánh, Giỗ Tổ Hùng Vương (1 ngày). Ngoài ra, còn có thêm các ngày nghỉ không hưởng lương như đám hiếu hỉ của cá nhân và bố mẹ, anh chị...

Bộ luật Lao động sửa đổi quy định, mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mức lương này được xác định theo tháng, ngày, giờ và được xác lập theo vùng, ngành.

Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương tối thiểu ngành được xác định thông qua thương lượng tập thể ngành, được ghi trong thỏa ước lao động tập thể ngành nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố.

Độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 và nữ là 55. Với các công việc độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm, ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo... người lao động có thể nghỉ hưu trước tuổi. Còn người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu thêm không quá 5 năm so với quy định.

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ phải ban hành hơn 20 nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi). Do đó, Bộ luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2013, đúng ngày Quốc tế Lao động.

Tiến Dũng

 

(Nguồn vnexpress.net)

 

Tin bài khác