Phong cách tư duy Hồ Chí Minh gồm nhiều nội dung, trong đó phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình là nét đặc sắc về phong cách tư duy của Người. Phong cách tư duy đặc sắc này có ý nghĩa chỉ đạo hiện thực to lớn đối với các cấp lãnh đạo và đối với mỗi cá nhân chúng ta trong giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống hôm nay.
Trước hết, sự thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Bác Hồ là người luôn biết xuất phát từ cái chung, nhân loại, từ những chân lý phổ biến để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Người đã từng viết: "Tuy phong tục mỗi dân một khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau: ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ"1.
Trong công tác đối ngoại, để đàm phán, vận động thuyết phục đối phương đồng thuận, Bác Hồ thường lập luận trên cơ sở nguyên tắc về tính đồng nhất của nguyên lý. Điều này được thể hiện ở nhiều bài nói, bài viết của Người, đặc biệt là trong thư gửi những người bạn Pháp ở Đông Dương năm 1946. Bằng lập luận chặt chẽ, Người đã phân tích một cách sâu sắc cho những người bạn Pháp thấy rõ lòng yêu nước, yêu độc lập tự do của người Pháp và người Việt đều giống nhau. Do đó, các bạn người Pháp ủng hộ lý tưởng độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Bởi vì, đó là lý tưởng của cả người việt và người Pháp. Về vấn đề hệ trọng này, Người đã viết: "Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do... Chúng tôi cũng phải được phép yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng cũng phải là lý tưởng của chúng tôi"2.
Với phong cách tư duy này, Bác Hồ luôn gắn kết nhuần nhuyễn, biện chứng giữa lý tưởng cách mạng với đạo đức nhân văn. Điều này được thể hiện rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 20-12-1946) của Người. Bản thân Lời kêu gọi có sức mạnh giục giã như lời hịch của núi sông, thôi thúc mọi người cầm vũ khí, đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng lại được viết bằng những lời lẽ rất hòa bình, nhân danh chính nghĩa mà chiến đấu, không hề có một chữ nào nói đến hận thù và chém giết.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Người đã nhiều lần kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, anh dũng chiến đấu, kiên quyết đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Song trong các lời kêu gọi ấy, Người luôn đề cao tình đoàn kết, lòng biết ơn và sự kính trọng về sự giúp đỡ của nhân dân tiến bộ Pháp và nhân dân tiến bộ Mỹ. Trong nhiều bài nói, bài viết, Người đã chân thành cám ơn hàng vạn thanh niên, sinh viên, hàng ngàn nhà khoa học, văn nghệ sĩ Mỹ đã rầm rộ biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của Chính phủ Mỹ. Người nhiệt liệt ca ngợi những tấm gương anh dũng hy sinh vì hòa bình của nhân dân Mỹ như cụ bà Henga Hécdơ và các chiến sĩ hòa bình Noman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ, Xilin Gian Caoxki. Đặc biệt, Người đã ví sự đoàn kết đấu tranh của nhân dân hai nước Việt - Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của bè lũ hiếu chiến Mỹ như hai mũi giáp công. Người khẳng định: "Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt - Mỹ nhất định sẽ thắng"3.
Với phong cách tư duy có lý có tình, Bác Hồ đã xử lý đúng đắn, hài hòa từ những sự việc trọng đại của đất nước đến những vấn đề cụ thể đối với cuộc sống của mỗi con người. Chính với phong cách tư duy này, Người đã thức trắng trọn một đêm, để đi đến kết luận đúng đắn đối với vụ án tử hình nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu (ngày 5-9-1950). Sự quyết định thấu lý đạt tình đối với vụ án lịch sử này của Người, đã được toàn dân, toàn quân rất đồng tình ủng hộ.
Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những yêu cầu nhiệm vụ mới, những thực tiễn mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó học tập và làm theo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ là nội dung rất quan trọng. Để học tập và làm theo phong cách tư duy đặc sắc này của Người, chúng ta phải tiến hành nhiều nội dung, biện pháp, trong đó, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, vận dụng sáng tạo phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong hoạch định các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là cơ sở lý luận, phương pháp luận đặc biệt quan trọng để Đảng, Nhà nước ta đề ra các đường lối, chính sách, nhất là trong việc hoạch định các chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ là nền tảng lý luận mà còn là nội dung quan trọng để vận dụng vào hoạch định các chiến lược phát triển một cách hài hòa, đúng đắn, sáng tạo. Vận dụng phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, chúng ta phải xác định sao cho nền kinh tế luôn phát triển hài hòa, bền vững; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội; kiên quyết tránh kiểu phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, chúng ta còn phải biết gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược phát triển kinh tế, xây dựng đất nước với chiến lược bảo vệ Tổ quốc; phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Trong xây dựng các giải pháp, bước đi chiến lược, chúng ta phải xác định cho toàn dân, toàn quân thấy rõ trách nhiệm là, luôn nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vận dụng sáng tạo phong cách tư duy Hồ Chí Minh, nhất là phong cách tư duy uyển chuyển, có lý có tình, trong hoạch định chiến lược đối ngoại, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đặc biệt, trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược đối ngoại, hội nhập quốc tế, chúng ta phải luôn nắm vững và thực hiện tốt phương châm 'vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Đây là phương châm thể hiện sinh động phong cách tư duy uyển chuyển của Bác Hồ. Phương châm này không chỉ thực hiện trong lĩnh vực đối ngoại, mà còn phải được thực hiện tốt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Hai là, quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh không chỉ là cơ sở lý luận, phương pháp luận, mà còn có vai trò to lớn trong chỉ đạo phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương. Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Bác Hồ, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương phải chú ý đảm bảo sao cho địa phương mình phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện; phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn trong sạch, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, khi tổ chức thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì, các địa phương đều phải bảo đảm hài hòa các lợi ích, nhất là lợi ích giữa Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp với người dân. Trong những năm vừa qua, liên tục có hàng ngàn đơn khiếu kiện về đất đai ở các địa phương, gây bức xúc trong xã hội. Để dẫn đến tình trạng khiếu kiện này là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các địa phương chưa giải quyết được hài hòa giữa các lợi ích, nhất là lợi ích giữa tập thể địa phương với lợi ích của từng hộ gia đình, từng cá nhân cụ thể.
Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các địa phương còn cần phải tiến hành có lý có tình, có trước có sau, phải luôn biết gắn kết giữa kỷ cương pháp luật với đạo đức nhân văn truyền thống. Thực tế trong những năm qua ở các địa phương đã chứng tỏ rằng, những nhiệm vụ mà tổ chức thực hiện thấu lý đạt tình thì luôn đạt hiệu quả cao. Ví dụ như, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương như huyện Đan Phượng, Đông Anh (Hà Nội), huyện Hoa Lư (Ninh Bình); huyện Đồng Triều (Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc, Thống Nhất (Đồng Nai), huyện Củ Chi, Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh)… do có quy hoạch, kế hoạch xây dựng hài hòa, có biện pháp tổ chức thực hiện hợp lý hợp tình, nên sớm đạt chuẩn nông thôn mới, tạo được bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số địa phương, cơ sở do mắc bệnh thành tích, chạy đua xây dựng nông thôn mới bằng mọi giá, nên cho dù đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng nợ đọng nhiều. Tính đến nay, gần 2.000 xã trên địa bàn cả nước đã nợ đọng xây dựng nông thôn mới lên tới trên 15.000 tỷ đồng. Những tồn tại thiếu sót trên, đặt ra cho các địa phương phải quán triệt sâu sắc hơn nữa phong cách tư duy Hồ Chí Minh, sáng tạo tìm ra các biện pháp hợp lý hợp tình để từng bước khắc phục.
Ba là, quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh trong xử lý các mối quan hệ của mỗi con người đối với đời sống hiện thực.
Phong cách tư duy Hồ Chí Minh có vai trò chỉ đạo rất to lớn, rất thiết thực đối với mỗi con người trong xử lý các mối quan hệ của đời sống hiện thực. Quán triệt và vận dụng sáng tạo phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển có lý có tình của Bác Hồ, trong giải quyết các vấn đề thực tiễn, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân phải có tư duy sáng suốt để xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng; giữa cá nhân với gia đình và xã hội; nhất là các mối quan hệ giữa cá nhân với tổ chức; giữa cá nhân với cơ quan, đơn vị, địa phương nơi mà mình công tác.
Quán triệt và vận dụng phong cách tư duy Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân còn phải có tư duy khoa học, tư duy biện chứng để xử lý hài hòa các mối quan hệ của đời sống cá nhân, như mối quan hệ giữa làm việc với nghỉ ngơi; giữa học tập và công tác; giữa rèn luyện phẩm chất với bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức và năng lực. Đặc biệt, mỗi con người còn phải biết xử lý đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ có tính chất vĩ mô, như mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ công dân, nhất là nghĩa vụ đối với Tổ quốc.
1, 2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.1995, tập 4, tr.397, 75.
3) Sách đã dẫn, tập 11, tr.524.
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ - Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 511 An Dương Vương, P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM - ĐT: 028.3875.0349 - Fax: 028.3875.4004 - www.hcm-nbac.edu.vn
Xuất bản năm 2014