Xúc tiến thương mại ngành thủy sản Vùng duyên hải miền Trung

Vùng duyên hải miền Trung gồm 09 tỉnh/thành phố (từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận) được thiên nhiên phú cho ngư trường khai thác thủy sản rộng lớn và nhiều lợi thế về hệ thống sông ngòi, hồ đầm mặt nước, hệ sinh học hải dương đa dạng… là những điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo "Xúc tiến thương mại nhằm phát triển thủy sản bền vững vùng duyên hải miền Trung" nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Vùng, thu hút đầu tư để phát triển thủy sản bền vững. Đây là một trong những hoạt động chính trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam (diễn ra từ ngày 28/3-02/4/2014 tại Phú Yên).

 

         Thực trạng phát triển thủy sản của Vùng duyên hải miền Trung

Vùng duyên hải miền Trung có đường bờ biển dài 1.430 km (chiếm 43,8% chiều dài đường bờ biển của cả nước) với ngư trường khai thác rộng lớn, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng, có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, còn có nhiều vũng, vịnh, đầm phá… thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, ngành Thủy sản đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh/thành phố trong Vùng. Tính đến hết năm 2012, giá trị sản xuất thủy sản của Vùng đạt trên 27.337 tỷ đồng (chiếm 34% giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản); Tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ; Tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Thứ trưởng Vũ Văn Tám phát biểu tại Hội thảo

Về khai thác thủy sản, tính đến hết năm 2013, toàn Vùng có hơn 46.200 tàu thuyền (chiếm gần 40% số tàu khai thác của cả nước) với tổng công suất trên 4 triệu CV. Trong đó, tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV) gần 11.300 chiếc. Cơ cấu nghề khai thác đã thay đổi, tăng tỷ trọng nghề lưới rê (là nghề đánh bắt các loài có giá trị kinh tế cao), giảm tỷ trọng nghề lưới kéo (là nghề gây tổn hại nguồn lợi thủy sản). Vùng đã xây dựng các mô hình sản xuất trên biển: lập trên 1.400 tổ đội đoàn kết, 50 hợp tác xã nghề cá và 13 nghiệp đoàn nghề cá. Do số lượng và công suất tàu thuyền tăng, cùng với sự thay đổi cơ cấu nghề khai thác, đặc biệt là việc xây dựng các mô hình sản xuất trên biển nên năng suất và sản lượng khai thác của Vùng đã tăng lên, đạt xấp xỉ 776 nghìn tấn (chiếm gần 28% tổng sản lượng khai thác thủy sản của cả nước).

Với tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là thủy sản mặn, lợ), diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên nhanh chóng. Năm 2013, diện tích toàn Vùng đạt trên 33.778 ha, sản lượng đạt trên 180 nghìn tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm (sú, chân trắng và tôm hùm) chiếm gần 50% tổng diện tích nuôi của Vùng, với sản lượng đạt trển 51,3 nghìn tấn. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, hình thức nuôi trồng thủy sản trong Vùng chủ yếu là hộ gia đình, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản đã thu hút được các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tham gia nuôi trồng, sản xuất giống, cung cấp thức ăn, dịch vụ thú y…

Về công tác bảo quản sản phẩm thủy sản sau khai thác, phần lớn tàu khai thác trong Vùng có công suất nhỏ (chiếm gần 76% tổng số tàu thuyền của cả Vùng), thiếu thiết bị bảo quản (sản phẩm không được cấp đông mà chỉ được ướp đá lạnh), dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển (không có khu tiếp nhận, phân loại sản phẩm)… gây tổn thất lớn sau khai thác, lãng phí nguồn lợi, hiệu quả kinh tế thấp. Về chế biến và xuất khẩu thủy sản, toàn Vùng có 132 doanh nghiệp quy mô công nghiệp - được trang bị công nghệ bảo quản, chế biến hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn và được phép xuất khẩu vào các thị trường lớn Nhật Bản, Mỹ, EU… Tuy nhiên, do nguồn cung nguyên liệu không ổn định nên một số doanh nghiệp chưa hoạt động hết công suất thiết kế. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Vùng đạt gần 700 triệu USD.

Hoạt động xúc tiến thương mại tại Vùng duyên hải miền Trung

Trong những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại tại Vùng duyên hải miền Trung khá sôi động và phong phú, tăng cường về chất lượng và số lượng, góp phần đưa sản phẩm của Việt Nam nói chung và Vùng duyên hải miền Trung nói riêng có mặt tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

 

Bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thủy sản do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, các tỉnh/thành phố trong Vùng cũng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại:

Các địa phương trong vùng đã tổ chức/tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, như: Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (VIETFISH), Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế Việt Nam (AGROVIET); Cung cấp thông tin thị trường, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh/thành phố, website của Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến thương mại… Tổ chức cho các doanh nghiệp thủy sản gặp gỡ, tiếp xúc với các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, tham tán thương mại nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhằm quảng bá và giới thiệu sản phẩm thủy sản. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm, quảng bá thương hiệu trên Cổng giao tiếp thương mại điện tử Quốc gia (www.ecvn.com) và Cổng thông tin xuất khẩu Việt Nam (www.vietnamexport.com)

Ngoài ra, tại các tỉnh/thành phố trong Vùng đã có hệ thống các cửa hàng, siêu thị chuyên bán các mặt hàng đặc sản của Vùng cho khách du lịch trong và ngoài nước, đã góp phần giới thiệu và quảng bá sản phẩm thủy sản Vùng duyên hải miền Trung.

Một số định hướng phát triển bền vững

Tại Hội thảo Xúc tiến thương mại, các đại biểu đã thống nhất với định hướng phát triển ngành Thủy sản bền vững: Chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản, giảm khai thác ven bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong tất cả các khâu - sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm. Chú trọng xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị - từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Đối với định hướng xúc tiến thương mại ngành thủy sản Vùng duyên hải miền Trung: sẽ tập trung xuất khẩu các mặt hàng thủy sản tiềm năng trong Vùng, đẩy mạnh tiến trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực (như: tôm, cá ngừ, hải sản khô), xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ và cập nhật về sản phẩm thủy sản của Vùng phục vụ xuất khẩu, đồng thời cung cấp thông tin cập nhật về các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, tổ chức và mời các tổ chức nước ngoài tới tìm hiểu thực tế sản xuất thủy sản tại các tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung, sử dụng Cổng thông tin điện tử vùng duyên hải miền Trung (www.vietccr.vn) để quảng bá và giới thiệu sản phẩm thủy sản của Vùng.

Đặc biệt để phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và thủy sản Vùng duyên hải miền Trung nói riêng, toàn ngành sẽ tổ chức quản lí và thực hiện chặt chẽ theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được phê duyệt.

Ngọc Thúy (http://www.fistenet.gov.vn)

 

Tin bài khác