Đầu tư chưa tương xứng
Trong khi ngành chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ xuất khẩu nông sản còn gặp khó khăn thì thủy sản vẫn được coi là điểm sáng, với nhiều lợi thế. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt khoảng 6 triệu tấn, tăng hơn 2% so năm 2012, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, sản lượng khai thác đạt hơn 2,7 triệu tấn, nuôi trồng đạt gần 3,5 triệu tấn, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt mức tăng trưởng khoảng 10,7% với giá trị khoảng 6,7 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng chủ lực là tôm đạt giá trị xuất khẩu ngoạn mục với con số khoảng 3 tỷ USD, mặt hàng cá tra với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,8 tỷ USD.
Đóng góp vào sự phát triển toàn ngành nhưng sự đầu tư cho ngành thủy sản còn nhiều hạn chế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Đầu tư công cho ngành thủy sản thời gian qua có tăng nhưng chưa xứng tầm với ngành. Trong Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản được Bộ phê duyệt, đã chỉ ra: Công tác đầu tư hạ tầng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vốn đầu tư hạ tầng thấp, đầu tư chưa đồng bộ, hầu hết hiện nay hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp, làm tăng nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh. Bởi, đầu tư cho thủy sản hiện nay mới chiếm 2,9% tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010.
Năm 2013, sản lượng TTCT đạt 280.000 tấn - Ảnh: PTC
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng cho rằng: Khó khăn hiện nay của ngành là kinh phí rất hạn chế, cơ chế chính sách đề xuất trình Chính phủ cũng phải có thời gian, không thể nhanh được. Hơn nữa, các dự án tập trung cho chương trình khuyến ngư mới tập trung cho lĩnh vực mặn lợ, còn thiếu những dự án cho lĩnh vực nước ngọt.
Tăng tỷ trọng vốn đầu tư
Hiện nay, để tạo cơ sở và động lực cho phát triển thủy sản, ngành sẽ thực hiện đồng bộ 7 giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế. Trong đó, sẽ tăng tỷ trọng đầu tư công cho lĩnh vực thủy sản từ nguồn vốn đầu tư do Bộ NN&PTNT quản lý, cụ thể: Tỷ trọng đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 7%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 10% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần kêu gọi thêm các nguồn vốn ODA, FDI hay các tổ chức tư nhân địa phương, tổ chức quốc tế đầu tư cho ngành thủy sản. Tổng cục Thủy sản cần tập trung quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, quản lý mặt hàng thủy sản theo chuỗi và sẽ cùng các tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến đóng vai trò hạt nhân liên kết.
Ông Kim Văn Tiêu cũng có đề xuất: Đối với khai thác và bảo vệ nguồn lợi, cần tiếp tục có cơ chế chính sách mạnh hơn cho đóng tàu khai thác xa bờ, gắn việc bảo quản sản phẩm và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân; sớm có bản đồ ngư trường, dự báo sản lượng, mùa vụ khai thác; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và nghiêm trị các hành vi gây hủy hoại môi trường và hủy diệt nguồn lợi. Trong NTTS, cần tuyên truyền vận động ngư dân nuôi theo hướng: an toàn môi trường, dịch bệnh, sản phẩm, an sinh xã hội; tăng cường đầu tư nuôi thủy sản trên sông và hồ chứa, phát triển nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất giống...
Tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương triển khai nhiệm vụ năm 2014, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thời gian tới, vốn đầu tư cho ngành thủy sản phải chiếm ít nhất 20 - 30% tổng vốn đầu tư toàn ngành nông nghiệp. Cơ cấu vốn theo hướng tăng tỷ trọng cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển thủy sản trên biển và hải đảo, các vùng nuôi tập trung, trung tâm giống… theo định hướng tập trung sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao, liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm.
>> Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm trên ¼ tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, với 6,7 tỷ USD/27,5 tỷ USD. Đóng góp lớn, nhưng đầu tư cho thủy sản đến nay vẫn chưa tương xứng. Đây có thể coi là một sự “bất công” của lĩnh vực thủy sản. |
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ - Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: 511 An Dương Vương, P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM - ĐT: 028.3875.0349 - Fax: 028.3875.4004 - www.hcm-nbac.edu.vn
Xuất bản năm 2014